Nâng tầm diện mạo mới đô thị Vĩnh Phúc

Nâng tầm diện mạo mới đô thị Vĩnh Phúc

15/05/2019

Những năm qua, Vĩnh Phúc đã có nhiều đột phá trong đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, tạo nên nhiều điểm nhấn ấn tượng về diện mạo, nếp sống văn minh đô thị.

Đến nay, Vĩnh Phúc có 25 đô thị, gồm 1 đô thị loại II là thành phố Vĩnh Yên, 1 đô thị loại III là thành phố Phúc Yên và 23 đô thị loại V.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng, để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị, tiến tới trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI, UBND tỉnh có những điều chỉnh quy hoạch tổng thể phù hợp trong phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chỉ đạo Sở Xây dựng lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị cho 10 đô thị loại V nằm ngoài Quy hoạch chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc. Phấn đấu giai đoạn 2016-2020 huyện Bình Xuyên đạt tiêu chuẩn là đô thị loại IV; 6 thị trấn hiện có gồm: Hợp Hòa, Yên Lạc, Thổ Tang, Hương Canh, Gia Khánh và Thanh Lãng là đô thị loại V và thành lập mới 8 thị trấn: Hợp Châu, Tam Hồng, Tân Tiến, Hợp Thịnh, Kim Long, Quất Lưu, Bá Hiến và Đạo Đức. Giai đoạn 2021-2025, xây dựng đô thị Vĩnh Phúc gồm 10 đô thị, đạt khoảng 75% so với các chỉ tiêu của đô thị loại I thuộc tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch, làm cơ sở để phát triển các khu đô thị mới, khu chức năng đô thị; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn để phát triển đô thị. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án theo quy hoạch gắn liền với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nâng cao chất lượng công tác quản lý xây dựng; rà soát, sửa đổi, bổ sung và kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp trong quá trình phát triển các khu đô thị mới, từng bước xây dựng đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 55 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị được đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng diện tích sử dụng đất gần 2,6 nghìn ha và 8 dự án đang thực hiện các thủ tục để được chấp thuận đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích trên 270 ha. Nhiều khu đô thị mới, khu đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, khu có chức năng đô thị như: khu đô thị Nam Vĩnh Yên, khu đô thị mới Chùa Hà Tiên, khu đô thị Nam Đầm Vạc, khu đô thị Tây Hồ, khu đô thị Park Hill Thành Công, khu đô thị TMS Grand City Phúc Yên được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ người dân được tận hưởng không gian sống trong lành, thân thiện với môi trường cùng các tiện ích dịch vụ thương mại được quy hoạch khép kín tiện lợi. Việc triển khai các dự án khu đô thị mới với hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã tạo điểm nhấn quan trọng cho không gian đô thị chung của tỉnh.

Tổ hợp khách sạn, nhà hàng chuẩn 5 sao DIC Star Vĩnh Phúc – điểm nhấn độc đáo của khu đô thị Nam Vĩnh Yên

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên tại xã Thanh Trù, ông Lê Thế Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, thuộc Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng làm chủ đầu tư giới thiệu: Giai đoạn I của dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên có quy mô gần 200ha với dân số 32 nghìn người; tỷ lệ đất nhà ở của dự án chiếm trên 39% tổng diện tích, còn lại là đất công viên, cây xanh, mặt nước và hạ tầng giao thông; kế thừa hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ của các khu đô thị mới nằm gần kề, là nơi tiếp giáp và có hạ tầng khớp nối với những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, gần các khu thương mại, vui chơi giải trí như Big C, sân golf Đầm Vạc, Future Land… Đến nay, dự án đã đầu tư gần 900 tỷ đồng, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật bàn giao sổ đỏ và có trên 100 hộ dân đã vào sinh sống tại khu đô thị.

Theo ông Anh, điểm nhấn độc đáo nhất của khu đô thị Nam Vĩnh Yên là tổ hợp khách sạn, nhà hàng chuẩn 5 sao DIC Star Vĩnh Phúc được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m², do các kiến trúc sư tài hoa đến từ Pháp thiết kế. Khách sạn có 205 phòng với nội thất hiện đại, bể bơi bốn mùa ngoài trời, phòng gym, nhà hàng sang trọng, ẩm thực đa dạng Á – Âu, có phòng tiệc lớn với sức chứa 1.000 khách, lớn nhất tại thành phố Vĩnh Yên hiện nay. “Với tiện ích và dịch vụ đẳng cấp không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, giới kinh doanh và khách du lịch hiện tại mà về lâu dài, đây sẽ là nhân tố thúc đẩy một lượng khách lớn từ Hà Nội và vùng lân cận về du lịch, nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc. Khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc góp phần quan trọng vào việc phát triển hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh cũng như tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, ông Anh nhấn mạnh.

Là đô thị lõi của tỉnh, những năm qua, thành phố Vĩnh Yên chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật – xã hội, từng bước tiến tới trở thành đô thị loại I của tỉnh. Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đức Nam, Trưởng phòng Quản lý đô thị cho biết, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc nói chung và đô thị Vĩnh Yên nói riêng, thành phố có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư công, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại I.

Tỉnh và thành phố đã đầu tư xây dựng và đang tiếp tục thi công một số tuyến đường mới, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông của thành phố như: Đường nối từ đường Kim Ngọc – Cầu Đầm Vạc – đường QL2 vòng tránh TP Vĩnh Yên; đường thuộc hạ tầng khung đô thị đại học; đường song song với đường sắt Hà Nội-Lào Cai, đoạn từ Hợp Thịnh – Đạo Tú đến nút giao bến xe Vĩnh Yên, tuyến phía Nam đường sắt – Giai đoạn 1… UBND thành phố cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư, tích cực tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện một số dự án nâng cấp hạ tầng xã hội như: xây dựng mới Chợ Vĩnh Yên; cải tạo công viên văn hóa thể thao thành phố Vĩnh Yên; xây dựng một số vườn hoa, khu công viên vui chơi giải trí thành phố. Cùng với đó, thành phố đang tích cực triển khai các thủ tục đầu tư dự án công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị để xây dựng từ 2-3 trung tâm tổ chức sự kiện, 10 nhà vệ sinh công cộng, tuyến đường sách, và 1 khu phố kiểu mẫu.

Thành phố Vĩnh Yên cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I

Bên cạnh các công trình sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, thành phố Vĩnh Yên chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, huy động được đa dạng các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng nhà ở xã hội, thương mại, đô thị và bệnh viện như khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai; khu nhà ở hỗn hợp và thu nhập thấp An Phú; khu nhà ở đô thị tại phường Khai Quang và phường Liên Bảo; khu đô thị Đại học; dự án Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt giai đoạn 2; bệnh viện đa khoa, nghỉ dưỡng tại phường Hội Hợp. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, khởi công xây dựng các công trình sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức nước ngoài để xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý nước thải phía Tây thành phố Vĩnh Yên và xây mới trạm xử lý nước thải tại phường Hội Hợp với công suất 6.000m3/ngày.đêm; xây dựng hệ thống đường ống thoát nước cấp 1 và cấp 2; xây dựng đồng bộ hệ thống đường ống cấp 3; nâng công suất trạm xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên đặt tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên từ 5.000m3/ngày.đêm lên 8.000m3/ngày.đêm thuộc dự án phát triển đô thị loại II – thành phố Xanh Vĩnh Yên.

Để xây dựng đô thị Vĩnh Yên theo hướng lên đô thị loại I cùng với đô thị Vĩnh Phúc vào giai đoạn 2026-2030, theo ông Dương Đức Nam, thành phố Vĩnh Yên sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành một số quy định, quy hoạch phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đô thị như quy định quản lý, sử dụng tạm thời vỉa hè đô thị ngoài mục đích giao thông; quy định quản lý hạ tầng đô thị; đề án đổ rác theo giờ…Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn như các tuyến giao thông trục chính, hệ thống cấp nước, nhà máy xử lý rác thải, hệ thống điện. Đồng thời, nâng cao năng lực chuẩn bị đầu tư, xúc tiến đầu tư các dự án ưu tiên của thành phố về hạ tầng giao thông, cấp nước đô thị, thoát nước đô thị, xử lý chất thải; nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Đức Hiền