Nhiều người mua nhà đất tại Việt Nam nhằm mục đích đầu cơ

Ngày 9/3, Giáo sư Richard Peiser, Trường Đại học Harvard (Mỹ) đã có hơn 30 phút chia sẻ kinh nghiệm để có thể tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và ổn định trong lĩnh vực nhà đất.

Nội dung này chia sẻ trong bối cảnh Việt Nam nằm trong nhóm có chỉ số minh bạch trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) thấp, xếp thứ 68 thế giới. Chính thực trạng này dẫn đến việc Tp.HCM và nhiều địa phương khác xuất hiện các nhà đầu tư mua nhà, đất không nhằm mục tiêu để ở và cho thuê mà chủ yếu là đầu cơ. Điều này góp phần đẩy nhà đất lên cao, khiến những người có nhu cầu thật sự gặp nhiều khó khăn.

Giáo sư Richard Peiser
Giáo sư Richard Peiser, Trường Đại học Harvard (Mỹ)

Vị giáo sư cho biết, tại Việt Nam chưa có trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu về nguồn gốc đất đai từ đó phát sinh nhiều mâu thuẫn. Trong khi tại Mỹ, người dân muốn mua nhà chỉ cần tra cứu và biết đất đó có tranh chấp hoặc lịch sử căn nhà. Bên cạnh đó, còn có bảo hiểm về quyền sở hữu, khi đôi bên giao dịch sẽ có đơn vị đứng ra bảo lãnh.

Giáo sư Richard Peiser phân tích, nhiều người cho rằng khi triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư thường nghĩ đầu tư vào không gian công cộng, mảnh xanh sẽ tốn kém. Nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm. Bởi thực tế ở Mỹ, nhiều chủ đầu tư đổ vốn rất mạnh để làm các tiện ích, hạ tầng đi lại từ đó sẽ tăng thêm gía trị căn hộ, nhà ở.

Ông Richard Peiser cho rằng, để tránh kẹt xe, quá tải hạ tầng thì bắt buộc trước khi cho xây dựng cao ốc, nhà cửa thì chính quyền hoặc tư nhân phải làm đường, cầu theo phê duyệt. Tránh để xảy ra tình trạng làm nhà ở có tiền rồi mới đầu tư hạ tầng sau.

Bên cạnh đó, việc phát triển thị trường nhà cho thuê rất quan trọng và đáp ứng nhu cầu cho người thu nhập thấp và các bạn trẻ. Ở Mỹ, tỷ lệ người thuê nhà chiếm 40%, tại Đức trên 50%. Theo ông Richard Peiser, Việt Nam rất giống như ở Trung Quốc, chủ sở hữu căn hộ thường đứng ra cho thuê trực tiếp. Các chủ đầu tư nên đẩy mạnh việc này phục vụ đúng nhu cầu theo xu thế tương lai.

Về tài chính, Việt Nam nên xây dựng cơ chế cho vay lâu dài, ít nhất 30-40 năm. Nhưng để làm được điều này, đơn vị cung ứng vốn, nhà nước và người dân phối hợp chặt chẽ với nhau để tạo ra thị trường BĐS thứ cấp, từ đó tạo ra đòn bẩy, vốn xoay liên tục.

“Thị trường BĐS luôn có tính chu kỳ, không khi nào bình lặng và có lúc phải lên xuống. Để bảo đảm, cơ quan quản lý nhà cần kiểm soát việc vay nợ quá mức và xây dựng dư thừa. Giả sử việc tiếp cận vốn quá dễ dàng chắc chắn nhiều chủ đầu tư xây dựng hàng loạt căn hộ, mặc dù thời điểm đó thị trường đã bão hoà. Từ đó, dẫn đến việc cung vượt cầu”, Giáo sư Richard Peiser nhận định.

Đặc biệt, việc phê duyệt và cấp phép chỉ nên kéo dài từ 6-12 tháng. Nếu để càng lâu tính cạnh tranh càng giảm và giá nhà càng đắt đỏ. Vị giáo sư gợi ý, yếu tố quan trọng là Việt Nam cần tổ chức giám sát chống tham nhũng, giảm thiểu việc hành xử kiểu “thân tín, quen biết” trong quá trình làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan cấp phép.

(Theo Người lao động)