Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành giải quyết đất dịch vụ trong năm nay

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu hoàn thành giải quyết đất dịch vụ trong năm nay, vì thế, ngoài huyện Yên Lạc đã hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2018, các huyện, thành phố còn lại đang phải tăng tốc giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc giao đất dịch vụ diễn ra công bằng, chính xác, minh bạch.

Mới giao được 2.500m2/19.000m2 đất dịch vụ cho 79 hộ dân nên xã Hợp Châu đang là địa phương có tỷ lệ giải quyết đất dịch vụ thấp nhất của huyện Tam Đảo. Luôn phải chạy đôn chạy đáo để tuyên truyền, giải thích, thuyết phục các hộ dân chấp hành chủ trương, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của nhà nước để có quỹ đất xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ rộng 1,8ha cho dân ở thôn Đồi Thông, ông Nguyễn Viết Thành, cán bộ địa chính xã Hợp Châu cho biết: Hợp Châu là là địa phương có diện tích đất dịch vụ cần chi trả cho dân nhiều nhất huyện Tam Đảo do địa phương phải nhường đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của huyện, có đường QL 2B và đường Hợp Châu – Đồng Tĩnh. Đến nay, địa phương đã quy hoạch 3 khu đất dịch vụ, diện tích 8,63ha và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết đất dịch vụ cho dân nhưng do gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên đến hết tháng 3/2018, xã vẫn còn 1.472 hộ chưa được giao đất dịch vụ, diện tích cần chi trả là 17.400m2.

 


Khu đất dịch vụ thôn Đồi Thông, xã Hợp Châu
đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng

Theo ông Thành, cái khó của Hợp Châu hiện nay là tại 3 khu đất dịch vụ, một số hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường theo đơn giá Nhà nước, không hợp tác trong quá trình kiểm kê, kiểm đếm tài sản nên tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các khu đất dịch vụ này đều chậm. Cụ thể, tại khu đất dịch vụ khu trung tâm xã dù đã tiến hành bồi thường từ năm 2010, với tổng diện tích 4,7ha nhưng đến nay mới giải phóng được 0,6ha do còn 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường, xã chưa có kế hoạch giải quyết cụ thể. Tại khu đất thôn Yên Chung mới giải phóng được 0,83ha/2,13ha và tại khu đất dịch vụ thôn Đồi Thông giải phóng được 0,7ha/1,8ha.

Không chỉ Hợp Châu, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đảo, hết tháng 3/2019, toàn huyện mới chi trả được 23.555,6 m2/72.309,6m2, đạt 32,6% và là địa phương có tỷ lệ giải quyết đất dịch vụ thấp thứ 2 của tỉnh, sau huyện Tam Dương. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm, Tam Đảo chưa giao thêm được m2 đất dịch vụ nào cho dân.

Ông Cao Đắc Phú, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đảo cho biết: Xác định giải quyết đất dịch vụ là nhiệm vụ quan trọng để an dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của dân, Tam Đảo đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, kịp thời giải quyết các tồn tại, vướng mắc cho từng địa phương. Đồng thời, ứng 13,2 tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng 7 khu đất dịch vụ. Trong quý I/2019, tất cả các xã đã quy hoạch đủ quỹ đất dịch vụ cho dân. UBND huyện đã phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất dịch vụ Trại Khóng, xã Minh Quang; điều chỉnh quy hoạch 7 ô đất được thực hiện từ năm 2006 sang đất dịch vụ và phê duyệt quy hoạch đất dịch vụ thôn Tây Sơn, xã Bồ Lý. Cùng với đó, đang tập trung bồi thường giải phóng mặt, xây dựng hạ tầng 2 khu đất dịch vụ xã Minh Quang, 2 khu dịch vụ xã Tam Quan và các xã Hồ Sơn, Đại Đình. Riêng đối với khu đất dịch vụ Nô Đồng, thôn Tân Phú, xã Đạo Trù, UBND xã mới đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chi tiết.

Để giải quyết xong đất dịch vụ cho dân trong năm 2019, UBND huyện Tam Đảo đã có văn bản yêu cầu các xã thực hiện đúng kế hoạch, lộ trình giải quyết đất dịch vụ tại từng khu vực; chủ động tiếp cận nguồn vốn vay Qũy phát triển đất tỉnh để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ; đẩy nhanh tiến độ đấu giá một số ô đất. Trong tháng 6/2019 phải giao xong đất dịch vụ cho dân tại khu đất Lồng Chấy, xã Minh Quang; khu đất thôn Yên Chung, thôn Đồi Thông, xã Hợp Châu; khu đất Núc Thượng, Cửa Đình, thôn Cầu Tre, xã Hồ Sơn; khu đất thôn Quan Nội, xã Tam Quan; khu đất Lõng Sâu và khu đất dịch vụ từ trạm Kiểm lâm đi Đại Điền, Hữu Tài, Sơn Thanh; khu đất Nô Đồng, xã Đạo Trù và khu đất thôn Tây Sơn giai đoạn 2, xã Bồ Lý. Đặc biệt, Tam Đảo sẽ rà soát, điều chỉnh các khu đất đã có quy hoạch sang ưu tiên giải quyết đất dịch vụ và không phê duyệt địa điểm mới nếu các xã chưa hoàn thành giải quyết xong đất dịch vụ.

Với 82,6%, thành phố Phúc Yên xếp thứ 4 tỉnh về tỷ lệ hoàn thành giải quyết đất dịch vụ. Để chi trả nốt 2,64ha còn lại cho dân trong tháng 6/2019, Ban chỉ đạo giải quyết đất dịch vụ thành phố Phúc Yên đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời giải quyết các  tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác này cho các địa phương và xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết đến từng thôn, tổ dân phố. Cùng với đó, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất.

Ông Khổng Ngọc Chính, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phúc Yên cho biết: Đất đai luôn là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân nên đến nay, ngoài phường Đồng Xuân không phải giải quyết đất dịch vụ và phường Xuân Hòa, phường Trưng Trắc giải quyết xong 100% đất dịch vụ; phường Phúc Thắng, xã Ngọc Thanh giải quyết được trên 90%, thành phố còn phường Nam Viên, phường Trưng Nhị và xã Cao Minh chưa chi trả được diện tích đất nào cho các hộ dân.

Cụ thể, tại phường Trưng Nhị, UBND tỉnh mới có văn bản đồng ý chủ trương cấp đất dịch vụ tại cánh đồng Canh Nông, tổ dân phố số 9, 10 nên địa phương chưa thể tiến hành lập quy hoạch chi tiết để trả đất dịch vụ cho 109 hộ dân, diện tích 0,1ha. Tại phường Nam Viêm, để hoàn thành nhiệm vụ trả đất dịch vụ cho 275 hộ, diện tích 0,25 ha, địa phương đã quy hoạch khu đất đấu giá, đất giãn dân, đất dịch vụ và đất tái định cư tại khu gò Sỏi, nhưng do còn 3 hộ chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và hiện UBND phường đang đề nghị UBND thành phố có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Xây dựng sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang đô thị, tách riêng nội dung quy hoạch đất dịch vụ và hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng khu đất dịch vụ cánh đồng Canh Nông. Tại xã Cao Minh, UBND xã đã hoàn thành việc xác nhận tiêu chuẩn đất dịch vụ cho 47hộ, với diện tích 0,24ha. Tuy nhiên, do vị trí dự kiến giao đất tại khu đô thị Xuân Hòa chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, Công ty cổ phần lắp máy điện nước và xây dựng chưa thể tiến hành xây dựng hạ tầng và bàn giao đất cho UBND xã. Còn khu quy hoạch đất dịch vụ tại khu đô thị Xuân Hòa chưa được quy hoạch đường đi nên dù Công ty cổ phần lắp máy điện nước và xây dựng có trả đất dịch vụ cho xã Cao Minh thì người dân cũng không đường đi.

Riêng đối với phường Tiền Châu, hết tháng 3/2019, UBND phường mới chi trả được 8.820m2 đất/16.806,7m2 đất cho 122 hộ dân, đạt tỷ lệ 47,5%. Theo chia sẻ của lãnh đạo phường, việc chi trả 0,88ha đất cho khoảng 508 hộ dân còn lại rất khó khăn do đất dịch vụ tại khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu còn 9 hộ chưa ký phiếu xác nhận và đòi chế độ diện tích đất dịch vụ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc giải quyết chế độ theo khẩu theo Quyết định số 450 của Thủ tướng Chính phủ chưa rõ ràng. Ngoài ra đất dịch vụ tại các dự án khác được quy hoạch trả tại vị trí khu đất giãn dân, dịch vụ, tái định cư và đấu giá quyền sử dụng đất khu đồng Cửa Đình còn 12 hộ chưa nhận tiền bồi thường.

Trước những khó khăn này, thành phố Phúc Yên đã phát triển các khu dân cư mới ở các khu vực thuận lợi để tăng thêm tiền sử dụng đất thông qua đấu giá và giao đất ở cho dân. Chỉ đạo các xã, phường chủ động hoàn thiện các thủ tục ứng vốn từ Qũy phát triển đất tỉnh để xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ. Đối với các khu vực đã có mặt bằng và hạ tầng, Phúc Yên cho phép sử dụng linh hoạt các loại quỹ đất trong khu vực để bố trí giải quyết đất dịch vụ. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân có đất vườn, ao, đất nông – lâm nghiệp có tiêu chuẩn đất dịch vụ, nếu có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng để làm nhà ở phù hợp với quy hoạch thì thành phố cho phép khấu trừ vào tiền chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp.

Cùng với thành phố Phúc Yên và huyện Tam Đảo, tất cả các huyện, thành phố của Vĩnh Phúc đều đang tăng tốc, quyết liệt giải quyết đất dịch vụ cho dân với thời hạn Ban chỉ đạo giải quyết đất dịch vụ tỉnh giao phải hoàn thành chậm nhất là trong quý IV/2019.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hết tháng 3/2019, toàn tỉnh đã giải quyết được 99,33ha/126,22ha đất dịch vụ, đạt 78,7%. Ngoài huyện Yên Lạc đã hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2018, đến nay, huyện Vĩnh Tường đã giải quyết xong 97,4% đất dịch vụ; huyện Bình Xuyên 92,1%; huyện Sông Lô 83,9%; thành phố Phúc Yên 82,8%; thành phố Vĩnh Yên 75,5%; huyện Lập Thạch 70,7%. Hai huyện có tỷ giải quyết đất dịch vụ thấp nhất tỉnh là Tam Dương mới đạt 28,7% và Tam Đảo đạt 32,6%. So với thời điểm ngày 26/2/2019, toàn tỉnh chỉ có huyện Tam Dương và huyện Bình Xuyên giải quyết thêm được 0,82ha; các địa phương còn lại vẫn dừng lại ở con số thống kê cũ.

Theo giải thích của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân dẫn đến tiến độ chi trả đất dịch vụ cho dân, nhất là tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo chậm là do nguồn lực đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ còn thấp. Một số hộ dân không đồng ý với đơn giá bồi thường của nhà nước nên không hợp tác trong quá trình kiểm đếm. Chính quyền một số xã chưa làm hết trách nhiệm, còn có hiện tượng kê sai, kê thiếu gây bức xúc trong dân. Bên cạnh đó, quá trình giải quyết đất dịch vụ cho dân bằng đất mất nhiều thời gian do phải thực hiện nhiều công việc, hạng mục mới có đất để chi trả; cơ chế, chính sách, cách tính, phạm vi và đối tượng hưởng đất dịch vụ có nhiều thay đổi.

Thời hạn phải hoàn thành giải quyết đất dịch vụ cho dân đang rút ngắn từng ngày, vì thế, để kịp thời giải quyết các tồn đọng, bất cập và giải quyết xong 26,89ha đất dịch vụ còn lại cho các hộ dân trong năm nay, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ các khu vực quy hoạch đất dịch vụ để có phương án giải quyết kịp thời. Đối với các khu vực đã có mặt bằng và đầu tư hạ tầng, tỉnh sẽ cho phép sử dụng linh hoạt các loại quỹ đất trong khu vực để bố trí giải quyết đất dịch vụ. Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân có đất vườn, ao, đất nông nghiệp, lâm nghiệp có tiêu chuẩn đất dịch vụ có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng để làm nhà ở phù hợp với quy hoạch thì xem xét, khấu trừ vào tiền chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp. Đối với những địa phương khó khăn, không có khả năng huy động nguồn lực từ đất, tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ phần còn thiếu để trả cho dân. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường phát triển các khu dân cư mới ở các khu vực thuận lợi để tăng thêm tiền sử dụng đất qua đấu giá và giao đất cho dân.

Theo cam kết của các địa phương, dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm của các địa phương, thành phố Phúc Yên và các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Sông Lô sẽ hoàn thành giải quyết đất dịch vụ trong quý II/2019, các địa phương còn lại phải về đích trước 31/12/2019.

Thanh Nga